“Kế hoạch marketing trên 1 trang giấy” là khái niệm được đề cập đến trong cuốn sách cùng tên của Allan Dib. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc lập kế hoạch trước khi triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá… Tuy nhiên làm thế nào để xây dựng một bản kế hoạch marketing vừa đơn giản, dễ hiểu mà lại có tính ứng dụng cao? Đây cũng chính là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp SME hiện nay đang “đau đầu” tìm lời giải đáp.
I. Kế hoạch marketing trên 1 trang giấy là gì?
Kế hoạch marketing trên một trang giấy, hay còn được biết đến với tên gọi The Marketing Canvas, là một phương pháp xây dựng kế hoạch theo triết lý đơn giản hóa, giúp hình thành nên một khung ý tưởng chứa đựng toàn bộ các nội dung cần có của một marketing plan thông thường. Bao gồm định hướng chiến lược, cách thức tổ chức, thực hiện và giám sát hiệu quả của các hoạt động marketing, thời gian triển khai, các thị trường mục tiêu…
Vậy tại sao lại gọi là kế hoạch marketing trên 1 trang giấy? Bởi giá trị cốt lõi của khái niệm này nằm ở việc đề cao sự đơn giản, ngắn gọn nhưng đem lại hiệu quả cao, phù hợp với tinh thần của marketing thực chiến. Cho phép doanh nghiệp áp dụng ngay vào thực tiễn kinh doanh chứ không chỉ là một bản kế hoạch “viển vông”, “nặng về lý thuyết” với hàng tá những biểu đồ, chiến lược dài lê thê và khó hiểu.
“Kế hoạch Marketing trên 1 trang giấy” còn là cuốn sách đã mở đường cho phương pháp lập kế hoạch marketing đơn giản trở nên ngày một phổ biến tại Việt Nam. Thông qua cuốn sách này, tác giả Allan Dib (doanh nhân danh tiếng, chuyên gia marketing và công nghệ, huấn luyện viên kinh doanh) đã tạo ra khái niệm về một bản kế hoạch marketing chỉ gói gọn trong một trang giấy theo đúng nghĩa đen.
Bản kế hoạch này gồm 9 ô vuông và được chia làm 3 chặng tương ứng với 3 giai đoạn khác nhau trong quá trình khiển khai các hoạt động marketing.
- Chặng trước (khách hàng tiềm năng): Trong chặng này, doanh nghiệp phải xác định được thị trường mục tiêu đang nhắm tới là gì, tạo nên một thông điệp có sức lôi cuốn với các khách hàng tiềm năng và truyền tải thông điệp đó thông qua các phương tiện truyền thông.
- Chặng trong (Người quan tâm): Lưu trữ thông tin của những người quan tâm đến sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp, thường xuyên chăm sóc họ để chuyển đổi người quan tâm thành khách hàng.
- Chặng sau (Khách hàng): Với những ai đã trở thành khách hàng, doanh nghiệp cần đem đến cho họ trải nghiệm đẳng cấp nhất, tìm cách gia tăng vòng đời khách hàng và thúc đẩy họ giới thiệu sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp bạn tới những người khác
II. 5 lợi ích siêu việt của kế hoạch marketing trên 1 trang giấy
1. Thể hiện rõ bản chất của marketing thực chiến ví như “Sự đơn giản là linh hồn của sự hiệu quả” – Austin Freeman
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của lý thuyết đối với quá trình triển khai marketing. Tuy nhiên từ lý thuyết đến thực tế lại có một khoảng cách “dài ngang Vạn Lý Trường Thành”. Bởi để các hoạt động marketing thực chiến đạt hiệu quả cao nhất, doanh nghiệp cần áp dụng những kiến thức, chiến lược marketing… cô đọng, chắt lọc và cũng là đơn giản dễ hiểu nhất. Đúng như câu nói của Austin Freeman: “Sự đơn giản là linh hồn của sự hiệu quả”.
2. Dẹp bỏ mọi sự liên tưởng “hoa mỹ, bay bổng” mà mọi người đang gán cho dân Marketer
Khi nhắc đến dân Marketer chuyên nghiệp, ta thường liên tưởng ngay tới hình ảnh những người “tri thức đầy mình”, đã từng nghiền ngẫm hàng ngàn đầu sách “nặng đô” cùng hàng tá các chiến lược marketing dài lê thê, các biểu đồ, diễn giải phức tạp…
Tuy nhiên kế hoạch marketing trên 1 trang giấy đã xóa bỏ những nếp suy nghĩ cũ cũng như mọi sự hoa mỹ và bay bổng mà nhiều người đang gán ghép cho dân Marketer. Trên thực tế, marketing là một cái gì đó vô cùng gần gũi, khoa học mà ngay cả một người “tay ngang” cũng có thể đảm đương nếu có sự “quyết tâm” đủ lớn.
3. Ngắn gọn, súc tích dễ hiểu, dễ trình bày để phác thảo định hướng các vấn đề chính trong kế hoạch marketing
Marketing trên 1 trang giấy đến nay vẫn là phương pháp lập kế hoạch ngắn gọn, súc tích và dễ thực hiện nhất, đặc biệt phù hợp với những doanh nghiệp SME chưa nắm vững kiến thức nền tảng cũng như cách thức triển khai thực hiện những kế hoạch marketing lớn, tổng thể. Với phương pháp này, dù là những marketer mới “chân ướt chân ráo” vào nghề thì cũng có thể nhanh chóng nắm bắt các định hướng, vấn đề chủ đạo mà bản kế hoạch đưa ra.
4. Là bản nháp cho bất cứ một kế hoạch/ chiến dịch marketing bài bản chi tiết sau này
Có thể coi bản kế hoạch marketing gói gọn trong trang giấy như một bản nháp hay dàn ý “đa năng”, cho phép doanh nghiệp áp dụng trong mọi hoàn cảnh, mọi chiến dịch marketing. Từ khung sườn này, các marketing planner có thể tự do thêm thắt, phát triển và tạo nên một bản kế hoạch hoàn chỉnh với đầy đủ các nội dung chi tiết.
5. Dễ dàng sao chép, nhân bản tư duy lập kế hoạch này cho các nhân sự Marketing nhanh chóng
Có một vấn đề “nhức nhối” mà rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải, đó là tình trạng đầu tư nhiều thời gian, chi phí, công sức… để đào tạo các nhân sự Marketing nhưng không đem lại kết quả cụ thể.
Trên thực tế với những Marketer mới vào nghề, việc truyền tải toàn bộ “mớ lý thuyết” marketing dài dòng và phức tạp là điều không thể. Vì vậy để tiết kiệm tối đa mọi nguồn nhân lực trong quá trình đào tạo nâng cao trình độ nhân viên, doanh nghiệp có thể phổ biến tư duy lập kế hoạch marketing trên 1 trang giấy cho các marketing intern một cách vô cùng nhanh chóng và dễ dàng.
III. Khi nào bạn nên sử dụng phương pháp xây dựng kế hoạch marketing trên 1 trang giấy này để đạt được hiệu quả tối đa?
1. Phương pháp này thường được dùng để xây dựng những kế hoạch marketing ngắn hạn (dưới 3 tháng), hay còn gọi là “Chiến Dịch Marketing” tháng, quý
Phù hợp với các chiến dịch marketing quy mô “vừa và nhỏ” của doanh nghiệp, dùng để quảng bá sản phẩm / dịch vụ của mình thông qua nhiều phương tiện khác nhau như truyền hình, báo chí, đài phát thanh, các nền tảng trực tuyến (online), hội nghị truyền hình (Event VR), các buổi thuyết minh…
Các mục tiêu của chiến dịch Marketing bao gồm:
- Giới thiệu sản phẩm mới
- Xây dựng nhận diện hình ảnh thương hiệu
- Tăng doanh số bán hàng
- Xác định nguồn lực, số lượng các kênh/ phương tiện truyền thông để tiếp cận phân khúc khách hàng cụ thể nào đó
- Làm giảm tác động của các nguồn tin tiêu cực (xử lý khủng hoảng truyền thông)
2. Khi các CEO cần training, đào tạo định hướng tổng quan về kế hoạch marketing, chiến lược marketing cho các cấp quản lý
Trong giai đoạn training về định hướng tổng quan về kế hoạch marketing cho các cấp quản lý marketing. Việc bắt đầu từ kế hoạch marketing trên 1 trang giấy là được đánh giá là cách tiếp cận ngắn gọn, hợp lý nhất. Phương pháp này đem lại những hình dung cơ bản về các chiến lược marketing của doanh nghiệp. Tạo nên lối tư duy mang tính nền tảng để các cấp quản lý dựa vào đó đào tạo nhân viên cấp dưới và phát triển những kế hoạch marketing chi tiết hơn (hay còn gọi là Action Plan).
3. Khi các Marketing Manager dùng để đề xuất, thuyết trình ngắn gọn về các ý tưởng, định hướng chiến lược cho các chiến dịch marketing 3 – 6 tháng sắp tới
Một buổi thuyết trình “dài dòng văn tự” sẽ khiến mọi người cảm thấy vô cùng nhàm chán, mặc dù cố “căng tai ra để nghe” nhưng vẫn không thể nắm được cốt lõi của vấn đề. Thay vào đó, tại sao các marketing manager không đơn giản hóa mọi thứ và mô tả một cách ngắn gọn nhất có thể các ý tưởng, định hướng cho chiến dịch marketing của mình?
Điều quan trọng là bạn cần làm nổi bật được các yếu tố mang tính trọng tâm, then chốt nhất trong toàn bộ bản kế hoạch để các nhân sự marketing của doanh nghiệp mình có thể dễ dàng thấu hiểu và áp dụng triển khai vào thực tiễn.
4. Xây dựng Marketing Brief cho các đối tác, Marketing Agency… khi cần phối hợp triển khai các hoạt động marketing
“Marketing Brief” được hiểu là văn bản ngắn gọn và cô đọng nhưng vẫn truyền tải đầy đủ thông tin cần thiết cùng những yêu cầu về marketing của doanh nghiệp bạn tới các đối tác, Marketing Agency… “Sự ngắn gọn là tinh hoa của trí tuệ” (William Shakespeare). Cùng một vấn đề, thay vì soạn một văn bản dài tới hàng chục trang, bạn hoàn toàn có thể chọn lọc những từ ngữ “dễ hiểu” và truyền tải thông điệp chỉ bằng một vài câu văn đơn giản.
5. Khi bạn là “Marketer lười – mà thông minh” thích sự nhanh chóng, đơn giản
“Being lazy is the key to success”, điều này nghe qua có vẻ “trái khoáy”. Nhưng trên thực tế chính các Marketer “lười biếng” lại là những người có óc sáng tạo tuyệt vời nhất. Họ luôn nảy ra những ý tưởng mới táo bạo để hoàn thành công việc với thời gian ngắn nhất nhưng vẫn mang lại hiệu quả tương đương. Nếu là một “Marketer lười mà thông minh” thì bạn nên nằm lòng kế hoạch marketing trên 1 tờ giấy như bí kíp bất ly thân của mình vậy.
IV. 7 thành tố để xây dựng nên một chiến dịch marketing hiệu quả theo phương pháp “The Marketing Canvas”
Như đã nói ở trên, “Kế hoạch marketing trên một trang giấy” còn được biết đến với tên gọi The Marketing Canvas hiện đại ngày nay. The Marketing Canvas được trình bày trên 1 trang giấy, mô tả 7 thành tố cùng các bước cụ thể để xây dựng một chiến dịch marketing để giúp cho các doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng, xây dựng đề xuất và thông điệp, xác định đòn bẩy chiến lược từ đó đưa ra các phương án triển khai các hoạt động marketing nhằm tiếp cận, thu hút, giữ chân và phát triển nhiều khách hàng hơn.
“The Marketing Canvas là công cụ đơn giản, chứa đựng những tinh hoa trong marketing thực hành giúp doanh nghiệp tiến hành các hoạt động marketing hiệu quả.
The Marketing Canvas cung cấp cho các doanh nghiệp một sơ đồ các bước cần phải tiến hành để xây dựng chiến lược và kế hoạch marketing. The Marketing Canvas sẽ hướng dẫn từng bước một để marketers có thể dễ dàng thực hiện các hoạt động marketing cho doanh nghiệp mình.” – Theo chuyên gia Lâm Bảo Bình (B COACHING)
1. Thành tố số 1: Đặt mục tiêu cho chiến dịch marketing một cách “SMART”
- Một mục tiêu rõ ràng có vai trò tối quan trọng trong việc xây dựng chiến lược marketing.
- Mục tiêu nêu rõ mong muốn của doanh nghiệp khi thực hiện một chiến dịch marketing, đưa ra 1 định hướng rõ ràng để thực hiện, theo dõi và đánh giá.
- Quy tắc đặt mục tiêu SMART dựa trên 5 yếu tố đó là:
- Specific: Mục tiêu phải cụ thể và rõ ràng
- Measurable: Mục tiêu phải đo lường được bằng các con số cụ thể
- Achievable: Mục tiêu cần có tính khả thi và có thể đạt được
- Relevant: Mục tiêu phải phù hợp với tầm nhìn và sự phát triển của doanh nghiệp
- Time-Bound: Mục tiêu cần gắn liền với thời hạn hoàn thành cụ thể
2. Thành tố số 2: Thấu hiểu để “chiến thắng” khách hàng
Thấu hiểu khách hàng, hay còn gọi là “customer insights”, là việc nắm bắt sâu sắc thị hiếu và những nguyện vọng, mong muốn, nhu cầu ẩn sâu bên trong của khách hàng.
Thấu hiểu sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra giải pháp nào là tối ưu nhất để thỏa mãn nguyện vọng của khách hàng. Từ đó tạo nên những sản phẩm, dịch vụ thiết thực và gần gũi để thuyết phục được nhiều người mua hàng nhất có thể.
Áp dụng phương pháp “Customer Mind Canvas” để xây dựng hình dung chân thực nhất về khách hàng. Phương pháp này giúp doanh nghiệp khám phá 13 yếu tố để xây dựng lên chân dung về khách hàng mục tiêu, đó là:
- Avatar: Là hình ảnh đại diện mô tả một cách chân thực nhất nhóm khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp hướng tới
- Việc cần làm của khách hàng
- Mục tiêu của việc cần làm
- Nỗi đau: Là những vấn đề mà khách hàng đang gặp phải
- Lợi ích: Là những lợi ích mà khách hàng mong muốn nhận được khi mua một hàng hóa, dịch vụ nào đó
- Đặc điểm nhân khẩu học: Là những thông tin xoay quanh khách hàng như độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, nơi sinh sống, chức vụ, thu nhập…
- Hiện diện: Mức độ hiện diện của nhóm khách hàng mục tiêu đó trong xã hội
- Nguồn thông tin: Những nguồn thông tin mà khách hàng tìm kiếm trước khi mua hàng
- Hành vi mua hàng: Được hiểu là những phản ứng, hành động mà khách hàng bộc lộ trong quá trình đưa ra quyết định để mua một loại sản phẩm hay dịch vụ nào đó
- Vai trò mua hàng
- KOL (key opinion leader): Những người có sức ảnh hưởng (thường là người nổi tiếng) và có thể tác động đến quyết định mua sắm của khách hàng
- Yếu tố trung thành: Sự gắn bó của khách hàng với một sản phẩm hay thương hiệu nào đó
- Phản bác điển hình
3. Thành tố số 3: Đề xuất “giá trị” thay vì “trị giá”
3.1. “Giá trị” và “trị giá” của sản phẩm / dịch vụ
Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Bởi trị giá là cách chúng ta định giá sản phẩm theo thước đo vật chất (ví dụ như tiền, vàng…). Trong khi đó giá trị dùng để chỉ thuộc tính, phẩm chất của sản phẩm. Giá trị này gồm có 3 phần
3.2. Phần 1: Giải pháp giá trị
“Giải pháp giá trị” (hay còn gọi là customer value propositions) là toàn bộ những giá trị mà sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp bạn đang đem đến cho khách hàng. Những giá trị này khiến cho khách hàng cảm thấy số tiền bỏ ra xứng đáng với lợi ích mà sản phẩm/dịch vụ mang lại.
Có một công cụ rất tốt trong việc xây dựng giải pháp giá trị là Value Proposition Canvas. Đây là công cụ giúp doanh nghiệp tìm ra, thiết kế và tạo lập “điểm giao nhau” giữa khách hàng và sản phẩm/dịch vụ.
Ngoài ra chúng ta còn có Mô hình Tháp Giá Trị của Bain cung cấp những giá trị cụ thể cho khách hàng tiêu dùng (B2C) và khách hàng tổ chức (B2B).
Thiết kế 1 giải pháp giá trị tốt có nghĩa là mang đến 1 đề xuất tốt cho khách hàng từ đó tạo nên lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn cho doanh nghiệp.
3.3. Phần 2: Đề xuất giải pháp cho sản phẩm/ dịch vụ
Giải pháp giá trị được thể hiện qua sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng. Sản phẩm có thể hữu hình hoặc vô hình. Sản phẩm của doanh nghiệp cần đem đến những giá trị mà khách hàng quan tâm hoặc có những ưu điểm vượt trội hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Mô hình 5 cấp độ sản phẩm (Five Product Level Model) sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được các mức độ nhu cầu khác nhau của khách hàng đối với sản phẩm. Mô hình này bao gồm 5 cấp độ là:
- Sản phẩm cốt lõi (hoặc lợi ích chính): Là mong muốn hoặc nhu cầu cơ bản của khách hàng được thỏa mãn bằng việc mua sản phẩm
- Sản phẩm chung: Toàn bộ những tính năng, đặc tính cần có để một sản phẩm có thể phát huy hết công dụng
- Sản phẩm kỳ vọng: Những yếu tố mà khách hàng hy vọng sẽ được nhận khi mua và sử dụng sản phẩm
- Sản phẩm bổ sung: Những khía cạnh tạo nên lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm
- Sản phẩm tiềm năng: Các tính năng được biến đổi, mở rộng của sản phẩm trong tương lai
3.4. Phần 3: Chiến lược định giá
Customer Cost (chi phí của khách hàng) được gắn với chữ P – Price (giá) thể hiện quan điểm cho rằng giá của sản phẩm cần được nhìn nhận như là chi phí mà người mua sẽ bỏ ra. Chi phí này không chỉ bao gồm chi phí mua sản phẩm mà còn cả chi phí sử dụng, vận hành, và cả hủy bỏ sản phẩm. Chi phí này phải tương xứng với lợi ích mà sản phẩm đem lại cho người mua.
Một số chiến lược định giá phổ biến hiện nay đó là:
- Định giá dựa trên chi phí sản xuất
- Định giá cạnh tranh (theo đối thủ, thị trường)
- Định giá theo giá trị cảm nhận của khách hàng (khả năng chi trả của khách hàng)
- Định giá dựa trên định vị thương hiệu
4. Thành tố số 4: Thông điệp truyền thông lôi cuốn và đầy bản sắc
Chiến lược nội dung (Content Strategy) là những cách thức, nguyên tắc, định hướng… nhằm phát triển một loạt các nội dung phục vụ mục tiêu marketing. Xây dựng một chiến lược nội dung phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp phác thảo nên bức tranh tổng thể về “câu chuyện thương hiệu” gắn liền với tầm nhìn thương hiệu để định hướng các hoạt động tiếp thị.
Sau khi tìm được insights của khách hàng mục tiêu, doanh nghiệp cần xây dựng Big Idea – giải pháp giúp doanh nghiệp giải quyết các insights. Big Idea được coi như thông điệp bao quát tất cả các khía cạnh của một chiến dịch marketing. Nó liên kết chặt chẽ với những mục tiêu của chiến dịch và tác động tới target audience. Đi kèm với Big Idea luôn có một thông điệp chính mà doanh nghiệp cần truyền tải tới khách hàng xuyên suốt chiến dịch.
Thông điệp chính và các nội dung truyền thông, quảng cáo được truyền tải bởi doanh nghiệp phải tạo lôi cuốn, quan tâm, ham muốn và thúc đẩy mong muốn mua sản phẩm của khách hàng.
Để các nội dung quảng cáo lôi cuốn được khách hàng thì doanh nghiệp cần áp dụng phương pháp “Storytelling”. Hãy kể câu chuyện thật hấp dẫn về sản phẩm, dịch vụ của mình để kết nối cảm xúc, đưa khách hàng xích lại gần doanh nghiệp hơn.
5. Thành tố số 5: Phễu bán hàng
Customer Flow Model được hiểu là mô hình tiếp thị, bán hàng trong đó người tiêu dùng được lấy làm trung tâm. Mô hình này thể hiện hành trình thu hút, giữ chân và biến người mua thành các khách hàng trung thành.
Để đạt tới giai đoạn 3 của phễu bán hàng thì doanh nghiệp cần đem đến trải nghiệm tuyệt vời nhất trên Customer Journey. Hành trình khách hàng (Customer Journey) là quá trình tương tác giữa khách hàng và doanh nghiệp. Mỗi tương tác của khách hàng đều vô cùng đáng giá, bởi nó thể hiện sự quan tâm của người tiêu dùng tới sản phẩm hay thương hiệu.
Trên từng hành trình khách hàng, doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản truyền thông, chăm sóc và bán hàng phù hợp:
- Ở giai đoạn Nhận biết, doanh nghiệp có thể quảng cáo bằng tờ rơi, áp phích, TV, biển quảng cáo… để tăng cường độ nhận diện thương hiệu, giúp cho khách hàng biết đến sản phẩm nhiều hơn.
- Giai đoạn Cân nhắc sẽ cần sử dụng đến các công cụ như SEO, review, người có sức ảnh hưởng… nhằm tác động tới quyết định mua hàng của khách hàng.
- Khi khách hàng đã quyết định Mua hàng, doanh nghiệp cần xác định rõ các kênh bán hàng của mình là gì, ví dụ như trên app di động, cửa hàng truyền thống, website, Facebook…
- Với những khách hàng đã từng sử dụng sản phẩm, doanh nghiệp cần Chăm sóc bằng cách gọi điện thoại, gửi Email, quà tặng… để giữ chân khách hàng.
- Khi những người mua hàng đã trở thành khách hàng Trung thành, doanh nghiệp cũng cần tung ra các chương trình khuyến mãi, quà tặng, khảo sát, thông tin giá trị… để khách hàng tiếp tục gắn bó với sản phẩm và giới thiệu thêm những khách hàng mới.
6. Thành tố số 6: Kênh truyền thông
Đầu tiên doanh nghiệp cần xây dựng bản đồ kênh truyền thông dựa trên các điểm chạm trên Customer Journey. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp xác định được các kênh truyền thông phù hợp đối với từng giai đoạn của hành trình khách hàng. Từ đó tối ưu hóa hiệu quả truyền thông, quảng cáo đạt được.
Có 3 loại kênh truyền thông là sở hữu, trả tiền và thụ hưởng:
- Loại hình sở hữu (Owned Media): Là những kênh truyền thông thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp như Website, Facebook, Youtube, Instagram..
- Loại hình trả tiền (Paid Media): Là những kênh truyền thông mà doanh nghiệp phải trả phí để được sử dụng. Ví dụ như Fb Ads, Tiktok Ads, Google Ads…
- Loại hình thụ hưởng (Earned Media): Còn được gọi là “truyền thông lan truyền”. Kênh truyền thông này được tạo nên bởi chính các khách hàng của doanh nghiệp. Họ sẽ là những người viết review, đăng bài đánh giá tích cực hoặc chia sẻ thông tin về sản phẩm.
Kênh bán hàng và phân phối cần phải cân nhắc 3 yếu tố đó là:
- Đặc tính: Bao gồm kênh phân phối trực tiếp, gián tiếp và hỗn hợp
- Độ phủ: Là mức độ phổ biến của các kênh phân phối bán hàng
- Quản lý: Cách thức và những người chịu trách nhiệm quản lý, vận hành các kênh phân phối
7. Thành tố số 7: Đo lường chỉ số Marketing (KPI Marketing)
KPI Marketing (Key Performance Indicator) được hiểu đơn giản là chỉ số đánh giá hiệu quả thực hiện các hoạt động Marketing.
Các KPI phổ biến cho truyền thông, cho quảng cáo bao gồm Social KPIs, Email KPIs, SEO KPIs…
Ngoài ra nên chú ý các chỉ số hài lòng của khách hàng thông qua công cụ Net promoter Score (NPS). NPS thường có dạng 1 câu hỏi khảo sát và yêu cầu người trả lời đánh giá khả năng họ sẽ giới thiệu sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp bạn tới những người khác theo thang điểm từ 1-10.
Chỉ số Marketing còn phụ thuộc vào các chỉ số tài chính như chi phí, doanh thu.
V. Lập kế hoạch marketing trên 1 trang giấy với bộ công cụ “Marketing SMEs thực chiến”
Không ít doanh nghiệp đã phải chịu thất bại nặng nề vì những sai lầm trong khâu lập kế hoạch marketing. Tuy nhiên giờ đây mọi thứ đã thay đổi nhờ bộ công cụ mạnh mẽ mang tên “Marketing SMEs thực chiến”. Với bộ công cụ 30/60/90-Day Marketing Plan này, doanh nghiệp sẽ xây dựng được một kế hoạch/ chiến dịch Marketing chi tiết cho 30/60/90 ngày chỉ trên một file excel.
Bộ công cụ được xây dựng dựa trên kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia thực chiến ở cả 2 phía “Client” và “Agency”. Chắc chắn sẽ giải quyết được triệt để tất cả các vấn đề về Marketing của bạn
Bộ công cụ này dành cho ai?
- CEO / Giám đốc marketing
- Trưởng Phòng Marketing và Kinh Doanh
- Team Leader
Bộ công cụ này ghê gớm như thế nào?
- Bạn không cần sở hữu một “KHO” kiến thức Marketing
- Chỉ cần 1 nhân sự là XONG
- Siêu nhanh trong 3-4 ngày
- Chi tiết & tính khả thi cao
Bên cạnh đó, hiện nay Poka Media đang cung cấp các dịch vụ tư vấn chiến lược marketing và khóa huấn luyện “Marketing Coaching” để doanh nghiệp bạn xây dựng được một kế hoạch marketing phù hợp với tầm nhìn và chiến lược kinh doanh, tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững.
Như vậy có thể thấy, The Marketing Canvas không phải là khái niệm gì đó quá xa vời, trừu tượng mà trái lại vô cùng gần gũi. Đừng quên liên hệ với Poka Media qua hotline 0969.549.245 để được tư vấn và giải đáp mọi thắc mắc về các bí quyết lập kế hoạch marketing hiệu quả.