Nước ép trái cây là ngành có sự cạnh tranh rất lớn. Nhưng vẫn còn nhiều cơ hội cho SMEs. Các công ty muốn thành công cần có một kế hoạch marketing hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.
1. Tổng quan về ngành nước ép tại Việt Nam
Ngày nay, đời sống người dân Việt Nam đang ngày một nâng cao. Vì thế nhu cầu về đồ ăn, thức uống sạch cũng tăng lên không ngừng. Nước ép trái cây là một trong những sản phẩm được ưa chuộng trong mảng kinh doanh về đồ uống, với nhiều lợi ích như nhuận tràng, tốt cho sức khỏe. Do đó, ngành nước ép trái cây (Juice) là ngành vô cùng tiềm năng để đầu tư, nhưng cũng chứa đựng sự cạnh tranh khốc liệt.
Khi đi sâu vào ngành nước ép trái cây, ta sẽ thấy sự phân khúc thị trường rõ rệt:
- Nước “trái cây” đóng sẵn: hiện là phân khúc thị trường lớn nhất; là sân chơi của các doanh nghiệp lớn với các nhãn hiệu khổng lồ: Twister (Pepsi), TH true Juice (TH True Milk) , Mirinda, Tropicana…Thực tế những sản phẩm này có hàm lượng trái cây tự nhiên kháthấp, chủ yếu là hương liệu hóa học. Đổi lại chúng có hạn sử dụng dài lên tới 6 tháng, là thức uống ưa thích của giới trẻ, những người có nhu cầu giải khát và thích sự tiện lợi.
- Nước “ép trái cây” đóng sẵn: đây là phân khúc thị trường nhỏ hơn với những nhãn hiệu tầm trung như: Vfresh (Vinamilk), Le Fruit, các loại nước ép nhập khẩu,…Hàm lượng trái cây tự nhiên trong các sản phẩm này cao hơn là nước trái cây đóng sẵn và cũng có hạn sử dụng dài lên tới 6 tháng. Đối tượng khách hàng chủ yếu của phân khúc này chính là những gia đình, quan tâm đến sức khỏe mà không có thời gian tự làm nước ép. Họ có nhu cầu bổ sung vitamin, dưỡng chất, tăng cường sức khỏe mà lại ưa thích sự có sẵn, tiện dụng.
- Nước ép trái cây hoàn toàn tự nhiên: đây là loại nước ép có hàm lượng trái cây tự nhiên cao nhất có thể lên tới 100%, tất nhiên giá của chúng cũng cao hơn nhiều so với 2 loại nước ép đóng sẵn kể trên. Về loại nước ép này có thể chia làm hai phân khúc nhỏ:
– Phân khúc 1: là loại nước ép tự làm ở nhà (Homemade). Đối tượng khách hàng ở phân khúc này là các bà mẹ chăm lo đến gia đình, hoặc một số bạn trẻ có lối sống lành mạnh, đặc biệt quan tâm tới sức khỏe. Điều quan trọng là họ có thời gian để chăm sóc cho bản thân lẫn gia đình.
Nước ép này được chế biến từ các trái cây tươi tự mua về sau đó chế biến tạo ra sản phẩm sạch, bổ sung vitamin, tăng cường sức khỏe hàng ngày. Khách hàng tiềm năng ở phân khúc này không ủng hộ sản phẩm công nghiệp, kể cả các loại nước ép trái cây đóng sẵn, chỉ ủng hộ các sản phẩm organic, không ngại mất thời gian và chi phí chế biến.
Sản phẩm tạo ra thường khá đơn giản, hương vị không quá hấp dẫn nhưng rất bổ dưỡng như ép cam, ép rau, ép táo, ép carrot,…Hạn sử dụng của các sản phẩm này ngắn chỉ dùng trong 24h.
– Phân khúc 2: nước ép trái cây tại quán (Order): Đối tượng khách hàng mục tiêu của phân khúc này tương tự như nước ép Homemade. Tuy nhiên có chút điểm khác là mặc dù ưa dùng sản phẩm tự nhiên, vì sức khỏe nhưng họ lại ko có thời gian, thích sự tiện dụng.
Ngoài ra, họ có thêm nhu cầu là thích sự đa dạng, những hương vị mới mà phân khúc Homemade không đáp ứng được, ví dụ như các loại nước ép hỗn hợp giữa cam và rau, nước ép lựu và củ dền, nước ép ổi – carrot – xà lách .. nước ép tính năng giảm cân, detox,…
Điều đặc biệt đó là phân khúc nước ép Order này rất phù hợp với những ai muốn bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh ngành nước ép trái cây. Nếu có tham vọng dấn thân vào nước ép thì đây là nơi bạn nên bắt đầu.
Tuy nhiên có một số lưu ý trước khi vào ngành hàng này:
– Thứ nhất, ngành nước ép trái cây có rào cản thâm nhập thấp, tức là rất dễ để mọi người bắt đầu khởi nghiệp. Điều đó có nghĩa rằng đối thủ của bạn rất nhiều, đa dạng và xuất hiện liên tục. Lý do rào cản thâm nhập thấp đó là Việt Nam là đất nước nhiệt đới, lượng mưa nhiều nên có thể trồng được rau củ, trái cây quanh năm. Trái cây, rau xanh của Việt Nam lại vô cùng đa dạng, dễ dàng mua bán ở bất cứ đâu với chi phí rẻ hơn nhiều nước trên thế giới.
– Thứ hai, đây là ngành hàng có sản phẩm với thời gian bảo quản, sử dụng cực ngắn, chưa kể còn khó vận chuyển, dễ gâp dập vỡ, hỏng.
– Thứ ba, ngành nước ép trái cây còn phụ thuộc vào mùa vụ, địa điểm làm nông nghiệp. Chẳng hạn, có những cây chỉ thích hợp lúc thời tiết nóng, hoặc chỉ thích hợp khi trời lạnh. Có những cây chỉ mọc ở một vùng cục bộ có thổ nhưỡng phù hợp,…Do đó nguyên liệu đầu vào cũng ảnh hưởng lớn lên sản phẩm đầu ra.
Muốn thành công ở ngành nước ép, bạn cần có kế hoạch marketing hiệu quả. Chúng ta sẽ tìm hiểu điều đó ở phần sau.
2. Nước ép trái cây – Ngành hàng tiềm năng & cạnh tranh cho SMEs?
Khi khởi nghiệp bất kỳ ngành gì, chúng ta là người kinh doanh cá nhân, hoặc cùng lắm là trở thành doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME – Small and Medium Enterprises). Như đã trình bày ở trên, đối với các start-up thì phân khúc nước ép Order là rất phù hợp với các SME. Thực tế phân khúc này vẫn còn rất nhiều tiềm năng:
- Về thị trường: Dân số Việt Nam hiện nay đã chạm tới mốc hơn 98 triệu người. Cuộc sống người dân thì ngày càng nâng cao dẫn tới việc chăm sóc sức khỏe càng được chú trọng. Vì thế đây là thị trường vô cùng lớn, thậm chí có thể nói là không giới hạn với các sản phẩm sạch, tự nhiên như nước ép trái cây.
- Về sản phẩm: ngành hàng nước ép có độ cản gia nhập thấp với nguồn nguyên liệu dễ kiếm, giá rẻ, dễ chế biến.
- Theo khu vực: Cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe hàng ngày bằng các sản phẩm tự nhiên gia tăng đặc biệt với khu vực đô thị . Ngoài ra khí hậu cũng khá ủng hộ với ngành nước ép. Miền Nam hầu như nóng quanh năm, miền Bắc thì có tới 5-6 tháng nóng và ấm dẫn tới nhu cầu thanh lọc cơ thể, bổ sung nước và dưỡng chất gia tăng. Đây là thị trường ổn định ở hiện tại và tiềm năng trong tương lai.
- Theo kênh: các kênh bán hàng online đang là xu hướng phát triển mạnh, phù hợp với điều kiện, nguồn lực của doanh nghiệp SME. Việc kinh doanh nước ép có thể bắt đầu hoàn toàn qua các kênh online (mạng xã hội, website,… ko nhất thiết phải có cửa hàng offline.
- Theo đối thủ: chủ yếu là các quán tư nhân nhỏ tự phát, phục vụ trong 1 khu dân cư vực nhỏ hẹp. Hầu hết họ có nguồn lực hạn chế, ít đầu tư làm marketing chuyên nghiệp. Vì thế vẫn còn lỗ hổng thị trường dành cho các SMEs hoàn toàn có thể gia nhập, thành công lâu dài nếu như có chiến lược kinh doanh và kế hoạch marketing hiệu quả.
3. Kế hoạch Marketing hiệu quả dành cho các SMEs ngành nước ép trái cây
Mô hình 4P là một công cụ rất phổ biến và hiệu quả trong làm kế hoạch marketing tổng thể. Cốt lõi 4P tập trung vào 4 chữ: Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (phân phối) và Promotion (truyền thông).
Trong ngành nước ép trái cây nói riêng, sự cạnh tranh trong marketing hiện nay chủ yếu chỉ tập trung vào 2 chữ P đầu tiên đó là Product và Price, có nghĩa rằng các doanh nghiệp đang cố sức quảng bá sản phẩm có chất lượng tốt và mức giá phải chăng, thậm chí là càng rẻ càng tốt. Trong khi đó ở 2 chữ P sau bao gồm Place và Promotion thì không được các hoạt động marketing chú trọng nhiều. Vậy để thành công trong ngành nước ép trái cây, các doanh nghiệp SME phải xây dựng một kế hoạch marketing hiệu quả, chuyên nghiệp đủ cả 4P, nhằm chiến thắng hầu hết các đối thủ trên thị trường.
Sau đây là các bước cốt lõi để tạo kế hoạch marketing hoàn chỉnh, đi đúng hướng.
3.1. Lập mục tiêu marketing “SMART”
Với sự thiếu hụt cả về kinh nghiệm lẫn nguồn lực, các SME cần phải xác định cho mình mục tiêu marketing ngay trước khi bắt tay vào kinh doanh. Họ không thể nhắm nhiều mục tiêu cùng lúc bởi vì như thế sẽ dễ rơi vào thế đối đầu với các doanh nghiệp lớn có thâm niên lẫn nguồn lực hùng hậu. Và phương pháp SMART sẽ giúp cho SME tạo ra mục tiêu rất rõ ràng với các tiêu chí sau:
- Mục tiêu cần cụ thể S – Specific.
- Mục tiêu cần Đo lường được – Measurable.
- Mục tiêu không viển vông mà có khả năng đạt được – Attainable.
- Mục tiêu cần Thực tế – Relevant
- Mục tiêu cần ghi rõ thời hạn hoàn thành – Time-Bound.
Khi áp dụng vào ngành nước ép trái cây chúng ta sẽ tạo ra tiêu chí các mục tiêu như sau:
- Mục tiêu kinh doanh: Mở được 01 cửa hàng tại Hà Nội ngay trong năm đầu tiên, có hàng trăm khách hàng thân thiết và hàng nghìn khách hàng tiềm năng, thời gian thu hồi vốn là 12 tháng.
- Mục tiêu marketing Đạt được 100 khách hàng/ tháng hay 50 đơn hàng/ ngày; trong đó có 30 khách hàng tiếp tục mua hàng ở tháng thứ 2,3 (tỷ lệ repeat purchase = 30%).
- Mục tiêu truyền thông quảng cáo: Độ nhận diện thương hiệu là trên 30% đối với các khách hàng cũ lẫn mới trong vòng 1 năm đầu tiên.
3.2. Khách hàng mục tiêu là ai?
Sau khi xác định được mục tiêu marketing, tiếp theo chúng ta cần xác định tập khách hàng chính nhắm đến. Nguồn lực của các SME vô cùng hạn chế, do đó không thể đánh vào một tập rộng phủ khắp thị trường hoặc đánh cùng lúc nhiều phân khúc khách nhau.
Nếu mong muốn tạo được kế hoạch marketing hiệu quả, giải pháp đưa ra chính là phải thu hẹp tập khách hàng, ưu tiên những thị trường ngách. Muốn làm được như vậy, phải xây dựng đặc điểm khách hàng mục tiêu càng cụ thể càng tốt, với sự đi sâu vào nghiên cứu nhu cầu, nỗi đau cần được giải quyết của tập khách hàng này.
Cùng bán nước ép trái cây nhưng mỗi một shop lại có khách hàng mục tiêu khác nhau:
– Với mục tiêu là khách hàng có thu nhập cao thì nhu cầu của họ cũng rất phong phú, từ nước ép trái cây mix nhiều nguyên liệu, nước detox, nước để đẹp da, tốt cho đường ruột,…Họ là những người sành ăn uống, hiểu biết nhiều, không ngại chi nhiều tiền cho những sản phẩm chất lượng tốt cho sức khỏe. Chưa hết, những khách hàng thu nhập cao còn đòi hỏi dịch vụ chăm sóc cũng tương xứng. Họ cũng đề cao sự tiện lợi, được đồ chất lượng mà không phải làm nhiều. Khách hàng thu nhập cao thường bận rộn nên sẵn sàng đặt nước đều đặn hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, thậm chí mua luôn gói combo cả năm.
– Với mục tiêu là khách hàng tầm trung thì yêu cầu của họ thấp hơn khách hàng thu nhập cao. Họ cũng quan tâm tới sản phẩm vì sức khỏe nhưng cần cân đối với chi phí. Tần suất sử dụng cũng không cao (không thường xuyên), nhu cầu về các loại nước ép cũng không phức tạp bằng khách hàng phân khúc cao. Yêu cầu thường thấy của tập khách hàng này là nước ép tự nhiên, tươi sạch nhưng giá phải chăng để cho bản thân lẫn gia đình.
– Với mục tiêu là các khách hàng trẻ, tuy rất chú trọng lối sống lành mạnh, sắc đẹp nhưng thu nhập còn hạn chế. Nếu sản phẩm nước ép có giá cả hợp lý thì họ sẵn sàng sử dụng thường xuyên. Trong trường hợp không tìm được shop nước ép ưng ý, họ sẽ quay về tự làm sản phẩm homemade cho đúng sở thích đồng thời tiết kiệm chi phí.
3.3. Xác định rõ đối thủ cạnh tranh trực tiếp
Đối thủ cạnh tranh là tiêu chí tiếp theo trong việc lập kế hoạch marketing hiệu quả. Chắc chắn, với nguồn lực và kinh nghiệm hạn chế, các SME không thể nào đối đầu trực tiếp với những ông lớn ngành nước ép trái cây như Pepsi, Vinamilk, Tropicana,…
Vì thế giải pháp đưa ra là hãy vẽ chân dung đối thủ có sản phẩm chính cạnh tranh trực tiếp với bạn. Đó là các doanh nghiệp có nguồn lực tương đương, đánh vào cùng phân khúc khách hàng, phân khúc sản phẩm với doanh nghiệp của mình.
VD: nếu SME muốn mở một shop nước ép trái cây dành cho khách hàng cao cấp tại nội thành Hà Nội, đối thủ cũng là những doanh nghiệp có tập khách hàng thu nhập cao, ở Hà Nội, trong cùng quận hoặc rộng hơn là trong khu vực nội thành.
Hoặc nếu mở 1 cửa hàng trong 1 khu đô thị thì đối thủ trực tiếp chính là cửa hàng nước ép khác ngay trong khu đô thị đó.
Nhìn chung, các tiêu chí để phân tích đúng đối thủ cạnh tranh bao gồm như sau:
- Về sản phẩm: sản phẩm của họ có điểm chung, điểm riêng gì, có thế mạnh hay điểm yếu gì so với sản phẩm của mình
- Về khách hàng: nắm rõ tập khách hàng chính mà đối thủ nhắm đến. Sau đó tự đặt câu hỏi: “Liệu có cách gì có thể biến khách hàng của đối thủ thành của mình hay không?”
- Về chiến lược: Đối thủ đang tiến hành chiến lược cạnh tranh về giá hay khác biệt hóa? Liệu có mức giá sản phẩm hay sự khác biệt của mình phải ở mức như thế nào để duy trì sự cạnh tranh?
- Các hoạt động truyền thông- quảng cáo – khuyến mãi: của đối thủ ra sao?
3.4. Tối ưu hóa, cải tiến sản phẩm nâng cao năng lực cạnh tranh
Việc nghiên cứu Mục tiêu marketing, Khách hàng tiềm năng, Đối thủ cạnh tranh cuối cùng nhằm mục đích là để tối ưu hóa và cải tiến sản phẩm của chính mình. Hãy dựa vào thông tin nghiên cứu trên, rà soát lại sản phẩm của SME theo các phương pháp sau:
- Đa dạng hóa sản phẩm (mẫu mã, chủng loại)
- Xây dựng bộ mô tả sản phẩm theo phương pháp F-A-B-E (đồng bộ, nhất quán tư duy marketing và bán hàng)
- Thực hiện ma trận sản phẩm 5 cấp độ (để xây dựng phễu sản phẩm hoặc gia cường hệ sinh thái sản phẩm)
Để tạo lợi thế cạnh tranh, sản phẩm của bạn cần xây dựng theo các hướng sau:
- Với các sản phẩm đang có doanh số tốt, cần ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động marketing để tăng sale hơn nữa.
- Trong trường hợp không có sản phẩm nào bán tốt, cần nghiên cứu xây dựng các sản phẩm mới có đặc điểm cạnh tranh hơn.
Ví dụ, trong ngành nước ép nói riêng và ngành hàng Food nói chung, yếu tố độ ngon của sản phẩm đóng vai trò quyết định. Dù nước ép có tốt mấy mà hương vị không hấp dẫn, khó uống thì cũng không thể thu hút được nhiều khách hàng. Điều đó cũng dẫn đến việc không thể thực hiện được các kế hoạch marketing hiệu quả.
Bạn có thể dùng kỹ thuật phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức) nhằm phân tích đối thủ, thị trường để tạo ra sản phẩm chủ lực có tính năng đặc biệt, cạnh tranh. Đó là sản phẩm mà các đối thủ khó có thể bắt chước được.
Ví dụ như SME có thể tung ra sản phẩm nước ép tăng đề kháng mùa Covid đánh vào nhu cầu muốn nâng cao sức khỏe trước dịch bệnh. Hoặc là sản phẩm có sự tư vấn của các chuyên gia có chuyên môn cao về lĩnh vực nước detox, thải độc với tên gọi dạng như “Menu nước ép detox theo chuyên gia ABC”.
3.5. Tạo lập hệ thống kênh phân phối hiện đại, chuyên nghiệp
Hiện tại có 2 hình thức kênh phân phối chủ yếu dành cho các doanh nghiệp nói chung:
- Thứ nhất là kênh phân phối truyền thống như GT/MT/KA. Những kênh phân phối này đòi hỏi phải có nguồn lực và kinh nghiệm nhất định khi vận hành.
Nó phù hợp với những doanh nghiệp lớn, có tên tuổi trên thị trường, với hệ thống các đại ý, nhà phân phối trung gian, các cửa hàng chuyên biệt để đưa sản phẩm đến tận tay khách hàng. Các SME không nên bắt đầu với kênh phân phối truyền thống này mà nên để dành cho tương lai.
- Thứ hai là kênh phân phối online. Lợi thế của kênh này là chi phí rất rẻ lại tiếp cận được rất nhiều khách hàng mọi lúc mọi nơi. Có thể kể đến các loại kênh phân phối online như mạng xã hội (Facebook, Instagram, Tiktok, Pinterest,…), website, trang thương mại điện tử…
Đây là kênh mà các SME ngành nước ép trái cây nên tập trung phát triển vì phù hợp với nguồn lực và kinh nghiệm hạn chế bạn đầu.
Để tạo ra kế hoạch marketing hiệu quả, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tìm cách để đa dạng hóa hình thức phân phối sản phẩm. Đó là kết hợp giữa kênh phân phối truyền thống với online.
Chẳng hạn, SME có thể thực hiện marketing qua các bài post, video trang mạng xã hội như Facebook, Tik Tok, Youtube, kết hợp với việc xuất hiện trong các hội nhóm Sống xanh, sạch, các nhóm Yêu bếp, nghiện nhà,…bán hàng thông qua các blogger, KOL chuyên về sức khỏe,…
3.6. Linh hoạt, sáng tạo trong các hoạt động truyền thông – quảng cáo – khuyến mại
Truyền thông, quảng cáo, khuyến mãi là những vũ khí chính cực kỳ quan trọng trong việc lập và triển khai các kế hoạch marketing hiệu quả. Với nguồn lực và kinh nghiệm hạn chế, các SME phải ưu tiên những kênh quảng bá có chi phí thấp như các kênh online. Nhưng dù là online thì cũng không nên đầu tư dàn trải mà chỉ tập trung vào những kênh thực sự hiệu quả.
Sau đây là các giải pháp cụ thể trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, khuyến mại:
- Đầu tiên doanh nghiệp cần xác định trọng tâm các hoạt động marketing. Đó nên là các hoạt động digital marketing hỗ trợ ra sale trực tiếp. Chẳng hạn, tham gia vào các hội nhóm về sức khỏe, thải độc, yêu bếp – nghiện nhà.
Bên cạnh đó đẩy mạnh việc tham gia vào các kênh Zalo nhóm để chăm sóc khách hàng cũ, gợi nhu cầu của các khách hàng tiềm năng. Trên các kênh này, SME cần cập nhật cập nhật menu nước ép hàng tuần, các thông tin sức khỏe hữu ích, chương trình tri ân nhân dịp đặc biệt của khách hàng cũ.
Ngoài ra doanh nghiệp nên hợp tác với các influencer, KOL, blogger chuyên về sức khỏe, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nước ép, các công thức nước ép độc đáo, nước ép phù hợp theo từng lứa tuổi.
- Đưa các hoạt động marketing offline lên các kênh online một cách phù hợp. Chẳng hạn thay vì làm các chương trình quà tặng trực tiếp tại cửa hàng thì nhân viên shop nước ép có thể livestream tặng quà, tổ chức trò chơi trúng thưởng trực tuyến trên các nền tảng như Facebook, Tik Tok,… Kết nối các chuyên gia chia sẻ livestream về sức khỏe, cách sống lành mạnh…
- Ngoài ra, các SME vẫn có thể tận dụng các hoạt động marketing truyền thống 1 cách linh hoạt; đặc biệt là tổ chức các sự kiện nhỏ.
VD: Tài trợ giới thiệu sản phẩm cho các sự kiện ngay tại khu vực của shop. Tổ chức uống thử nước ép miễn phí cho lớp yoga, trường mầm non, trong khu dân cư…
Mục tiêu là xây dựng một hình ảnh tích cực của doanh nghiệp trong mắt khách hàng. Đó là doanh nghiệp luôn đề cao sức khỏe, với những sản phẩm uy tín, chất lượng phục vụ khách hàng chu đáo.
3.7. Đo lường, tối ưu hóa khi triển khai kế hoạch marketing
Để có được một kế hoạch marketing hiệu quả, chuyên nghiệp thực sự, các doanh nghiệp cần có các bộ công cụ để đo lường kết quả thu được. Việc đo lường này có tác dụng kiểm tra lại xem kế hoạch marketing có đi đúng hướng chưa, hiệu quả thực tế ra sao, cần chỉnh sửa những điều gì.
Để đo lường và tối ưu hóa mô hình marketing tổng thể, SME ngành nước ép phải trả lời được các câu hỏi như:
– KPI có “khớp” với chiến lược marketing đề ra hay không?
– Ngân sách dự toán và ngân sách thực tế chênh lệch nhau nhiều hay ít?
– KPI dự kiến và KPI thực tế chênh lệch nhau nhiều hay ít?
Chẳng hạn, khi SME định hướng khách hàng cao cấp, KPI đặt ra có thể là “Bao nhiêu % người ở khu đô thị cao cấp liền kề biết đến thương hiệu nước ép của mình”, “tỉ lệ chuyển đổi của khách hàng phân khúc cao và phân khúc thấp như thế nào”,…
4. Kế hoạch Marketing hiệu quả cho ngành nước ép của Poka Media
Poka Media là đơn vị có kinh nghiệm gần 10 năm trong việc lập kế hoạch và triển khai marketing tổng thể hiệu quả. Thấu hiểu được những trăn trở, vướng mắc của các doanh nghiệp SME mới khởi nghiệp, Poka Media đã biên soạn mẫu kế hoạch marketing hiệu quả để các bạn có thể tham khảo miễn phí sau đây:
Thêm vào đó, Poka Media còn triển khai các dịch vụ trực tuyến độc đáo như:
Hãy liên hệ ngay đến hotline 0969.549.245 để được tư vấn về các mô hình marketing tổng thể hiệu quả một cách miễn phí nhé.